Căn cứ chống Pháp và khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu 1885 18 thôn vườn trầu

Đến năm 1841, Mười tám thôn vườn trầu thuộc về quyền quản hạt của huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Tuy vậy, địa thế Mười tám thôn vườn trầu thời này vẫn khá hiểm hóc: phía sau là bưng Tầm Lạc mênh mông, cỏ lấp đầu người, nước ngập ngang lưng và rừng liên tiếp lên tận Cao Miên, Lào. Đây là vùng cư ngụ lý tưởng của những người dân lưu tán từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào, sống ngoài vùng kiểm soát của chính quyền. Đa phần, họ đều giỏi võ nghệ, sống gắn bó, đoàn kết với nhau chống áp bức cũng như thú dữ...

Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, rồi mở rộng chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Năm 1862, Pháp đã chia lại địa giới hành chính. Huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định. Cùng trong thời gian đó, nghĩa quân Trương Định - Trương Quyền (1859–1867) từng đặt 1 căn cứ liên lạc chống Pháp tại vùng có tên là Bà Điểm (nay là xã Bà Điểm). Nguyễn Ảnh Thủ cũng lấy đây là căn cứ phát động khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1871.

Ngay khi chiếm được 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, Đại úy Lucien de Grammont [3] được cử làm Giám đốc bản xứ sự vụ huyện Bình Long (tiếng Pháp: directeur des Affaires indigènes, bình dân gọi nôm na là Chủ quận) và Trần Tử Ca được cử làm phụ tá. Do de Grammont thường không có mặt tại nhiệm sở, nên về mặt thực tế Trần Tử Ca nắm quyền cai trị trực tiếp vùng này và đóng tại dinh quận ở Tân Sơn Nhì. Do lập công đắc lực, Pháp nhanh chóng thăng hàm cho Trần Tử Ca thành Tri huyện (1871) rồi Đốc phủ sứ (1879). Lợi dụng chức quyền nên Đốc phủ Ca lạm quyền tàn ác, vơ vét người dân nơi đây thậm tệ. Vợ và hai con cũng bức áp dân đen tàn khốc.

Năm 1879, Phan Văn Hớn, một nông dân giỏi võ, mưu trí, tính cách hào phóng, ngay thẳng, được dân trong vùng cử làm Hương quản, trông coi việc an ninh trong làng, nên dân trong vùng còn gọi ông là Quản Hớn. Do ông thường đứng ra bênh vực cho dân chống lại cường hào ác bá, Đốc phủ Ca vu cho ông tội loạn nên bắt ông giao Pháp đày ra Côn Đảo chịu án 5 năm tù. Sau khi ra tù, ông cùng Nguyễn Văn Quá (hay Hóa), người Đức Hòa, âm thầm chuẩn bị gươm, dao, mác và bí mật chiêu tập một số nghĩa quân chờ cơ hội khởi nghĩa chống lại áp bức. Dân chúng quá bất mãn vì bị bóc lột tàn nhẫn nên theo Quản Hớn rất nhiều.

Vào đêm 30 rạng mùng một tết năm Ất Dậu (tức ngày 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885), Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá cùng hơn ngàn nghĩa quân chia làm ba mũi, tấn công vào dinh huyện Bình Long, giết chết Đốc phủ Trần Tử Ca, bêu đầu trên cột đèn trước chợ Hóc Môn.

Sau cuộc khởi nghĩa 1885, Pháp đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn, chia thành 4 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung.